Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2022 – IOM Việt Nam, phối hợp với Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) tổ chức hội thảo đa phương nhằm trao đổi kinh nghiệm, các mô hình khác nhau và các phương pháp hiệu quả nhất để hỗ trợ người di cư trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương.
Với sự tham gia của các cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế và các tổ chức xã hội dân sự, hội thảo là cơ hội để tất cả các bên liên quan chia sẻ các bài học kinh nghiệm, nhằm đáp ứng tốt hơn những nhu cầu ngày một phức tạp của người di cư hồi hương ở Việt Nam, đặc biệt là những người bị mua bán, bóc lột, trong tình trạng dễ bị tổn thương, hướng đến sự tái hoà nhập bền vững của họ tại cộng đồng.
Tại hội thảo, các đối tác đã chia sẻ kinh nghiệm từ những lĩnh vực chuyên môn khác nhau, bao gồm giải cứu và hồi hương, công tác tiếp nhận và chuyển tuyến người bị mua bán, nhà tạm lánh và hỗ trợ trực tiếp cho người bị mua bán trở về, hỗ trợ thông qua cộng đồng và các nhóm đồng đẳng, cũng như các hỗ trợ về tâm lý, kinh tế và xã hội, nhằm mục đích tái hoà nhập bền vững. Các đại biểu cũng thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác nhằm củng cố thế mạnh và năng lực của mỗi tổ chức đối tác, đồng thời tăng cường cơ chế chuyển tuyến và điều phối giữa các tổ chức, hướng đến mục tiêu chung là cung cấp hỗ trợ toàn diện và bền vững cho người bị mua bán trở về.
Đại biểu tham dự hội thảo cũng đến tham quan Văn phòng Dịch vụ Một điểm đến (OSSO) và văn phòng tham vấn thuộc Ngôi nhà Bình Yên (thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển) tại Hà Nội. Đây là hai mô hình nổi bật trong công tác hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và nạn nhân của bạo lực giới, vận hành bởi Trung ương Hội LHPN Việt Nam.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” do IOM thực hiện dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Vương quốc Anh.