Thị trường lao động, việc làm trong những tháng cuối năm 2023 được dự báo sẽ trở lại sôi động do các các doanh nghiệp có đơn hàng ổn định hơn.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm
Theo báo cáo từ các địa phương, số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý III/2023 là khoảng 54,2 nghìn người, giảm 187,3 nghìn người so với quý trước, chủ yếu là lao động ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 66,3%), tập trung ở ngành da giày với 31,9% và dệt may với 30,9%.
Số lao động bị mất việc trong quý III/2023 là 118,4 nghìn người, giảm 99,4 nghìn người so với quý trước. Trong đó, tập trung chủ yếu ở Bình Dương là 33,6 nghìn người và TP Hồ Chí Minh là 34,6 nghìn người do các địa phương này có nhiều lao động thuộc ngành dệt may và da giày.
Trong thời gian gần đây, đặc biệt là tháng 9, thị trường lao động đã có dấu hiệu tích cực khi các địa phương đều có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực tăng. Qua các phiên giao dịch việc làm trực tuyến giữa các tỉnh thành phía Bắc gần đây cho thấy nhu cầu tuyển dụng tăng đăng kể. Đơn cử, phiên giao dịch trực tuyến kết nối 8 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cuối tháng 9 vừa qua với sự tham gia của 121 doanh nghiệp tuyển dụng 15.578 vị trí việc làm, trong đó, Ninh Bình (3.804 chỉ tiêu), Bắc Giang (3.273 chỉ tiêu), Bắc Ninh (2.930 chỉ tiêu), Hải Phòng (1.487 chỉ tiêu), Thái Bình (1.315 chỉ tiêu)…. Đáng chú ý, nhu cầu tuyển dụng công nhân sản xuất điện tử là 4.520, chiếm khoảng 30%; công nhân sản xuất nhựa là 2.216; sản xuất may mặc 2.179…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thuộc ngành nghề như kinh doanh – marketing, xây dựng, cơ khí – hàn, thợ vận hành máy, bán hàng – thu ngân, kế hoạch sản xuất, kế toán – kiểm toán… cũng có nhu cầu tuyển dụng gia tăng.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trong bối cảnh kinh tế – xã hội thời gian qua có nhiều khó khăn, song thị trường lao động nhìn chung tương đối ổn định, các chỉ số thị trường lao động vẫn có sự tăng trưởng nhẹ, điều này thể hiện ở cung và cầu lao động đều tăng, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm không có nhiều biến động.
Từ những quan sát và qua các dữ liệu của thị trường lao động, Bộ LĐTBXH đánh giá, về tổng thể, thị trường lao động Việt Nam vẫn đang tiếp tục duy trì đà phục hồi nhưng vẫn bộc lộ những vấn đề bất cập và hạn chế. Lao động có việc làm dù có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn.
Đơn hàng ổn định hơn
Ông Đỗ Xuân Khiết, Giám đốc Công ty cổ phần may Hoà Thọ – Hội An (Quảng Nam) cho biết: “Công ty làm đơn hàng may mặc xuất đi Nhật Bản và kế hoạch sản xuất đến cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Trong những tháng cuối năm, đơn vị có nhu cầu tuyển khoảng 150 lao động. Một trong những động lực giữ chân và thu hút công nhân lao đông đảm bảo thu nhập với mức lương hơn 8 triệu đồng/tháng và các chế độ chính sách, phúc lợi cho người lao động luôn được đảm bảo. Hiện nay, tiền đóng bảo hiểm xã hội, trích đóng quỹ phúc lợi khác chiếm khoảng 20% quỹ lương của doanh nghiệp”.
Theo đánh giá từ Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH), các doanh nghiệp cũng đã có đơn hàng dịp ổn định cuối năm, qua đó, nhu cầu tuyển dụng lao động cũng gia tăng trở lại.
Bộ LĐTBXH cũng đã chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho người lao động. Trong đó, tập trung vào các chính sách đối với người lao động thôi việc, mất việc làm như trợ cấp thất nghiệp cho người lao động mất việc; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp…
Các địa phương cũng tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đặc biệt các phiên giao dịch việc làm chuyên đề theo từng loại lao động, cụm doanh nghiệp để nhanh chóng kết nối việc làm cho người lao động.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết số lượng lao động bị mất việc do doanh nghiệp cắt giảm không quá nhiều, với nhóm lao động có tuổi cao, trình độ thấp, đơn vị đã tiếp cận để hỗ trợ họ kịp thời ngay từ khi doanh nghiệp thông báo cắt giảm.
Theo ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, tích cực giải ngân vốn đầu tư, ổn định hoạt động doanh nghiệp, đã góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập của người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn.
Trong 9 tháng qua, TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 171.000 lao động, trong đó có 34.644 lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền trên 1.700 tỷ đồng.
Số người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội là hơn 13.400 lao động. Cùng với đó, có hơn 3.000 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu là thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng nền kinh tế diễn biến gặp nhiều khó khăn dẫn đến ảnh hưởng rất lớn đến phục hồi thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động cần cụ thể vào từng đối tượng thì càng hiệu quả.
Vừa qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ người lao động, nhưng tôi cho rằng các chính sách cần hoàn thiện theo hướng hỗ trợ nhiều hơn nữa, chú trọng vào đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động một cách bền vững chứ không chỉ chú trọng trợ cấp cho họ khi mất việc làm. Bảo hiểm thất nghiệp phải hướng tới đảm bảo việc làm, bảo đảm tay nghề cho người lao động.
“Trong thời gian tới, các chính sách phải duy trì, tạo ra việc làm bền vững, chất lượng cao. Hầu hết người lao động mất việc nhiều thời gian vừa qua là lao động tay nghề thấp, không có tay nghề. Những trường hợp người lao động ngoại tỉnh, nuôi con nhỏ, mang thai… càng gặp nhiều khó khăn”, ông Lê Đình Quảng cho biết.