Vào tháng 4 tới, dân số cả nước sẽ cán mốc 100 triệu người. Cơ hội thị trường trăm triệu dân mở ra nhưng cũng không ít thách thức khi hàng chục triệu lao động chưa được đào tạo trở thành rào cản với việc cải thiện năng suất, nâng cao thu nhập.

Vào giữa tháng 4 tới, dân số cả nước sẽ đạt 100 triệu người, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam. Trong ảnh: niềm vui của đôi vợ chồng trẻ khi đứa con thương yêu chào đời - Ảnh: THIÊN CHƯƠNG

Vào giữa tháng 4 tới, dân số cả nước sẽ đạt 100 triệu người, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế – xã hội cho Việt Nam. Trong ảnh: niềm vui của đôi vợ chồng trẻ khi đứa con thương yêu chào đời – Ảnh: THIÊN CHƯƠNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trung Tiến, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, phải tận dụng được cơ hội này.

Ngoài ra, chúng ta đã duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập niên qua, xu hướng sinh hai con là phổ biến, cần tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế nhằm kéo dài thời gian cơ cấu dân số vàng, làm chậm quá trình già hóa dân số.

Cơ hội có một không hai

Ông Nguyễn Trung Tiến - Ảnh: NAM TRẦN

Ông Nguyễn Trung Tiến – Ảnh: NAM TRẦN

* Theo ông, dân số cán mốc 100 triệu người mang tới những cơ hội và áp lực gì?

– Quy mô dân số 100 triệu người là nguồn lực vững vàng cho thời kỳ phát triển kinh tế – xã hội, là cơ hội phát triển đất nước nhanh, bền vững. Hơn nữa, chúng ta đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, gần 70% dân số trong độ tuổi lao động. Theo quy luật, thời kỳ dân số vàng là cơ hội “có một không hai” để các quốc gia phát triển kinh tế – xã hội và cơ hội này chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển của các quốc gia.

Bên cạnh đó, chúng ta duy trì được mức sinh thay thế nhưng đang có sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền. Trong đó, hai vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế.

Theo nghiên cứu của các nhà nhân khẩu học, mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định quy mô, cơ cấu của một dân số trong hiện tại và tương lai. Nếu mức sinh quá thấp sẽ dẫn đến nguy cơ già hóa dân số quá nhanh, thiếu hụt lực lượng lao động, gia tăng những vấn đề an sinh xã hội. Hệ lụy càng nghiêm trọng nếu già hóa dân số quá nhanh xảy ra với những quốc gia còn đang trong quá trình phát triển, năng suất lao động chưa cao.

* Với quy mô dân số hiện nay, chúng ta có những lợi thế gì so với các nước trong khu vực?

– Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và đứng thứ 15 trên thế giới. Quy mô dân số những năm qua tăng tương đối ổn định, khoảng gần 1 triệu người/năm. Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, khi các nước đều coi nguồn nhân lực là lợi thế của quốc gia thì sự ra đời của công dân thứ 100 triệu là dấu mốc quan trọng, tạo cơ hội cho nước ta nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới.

Tận dụng được cơ hội từ cơ cấu dân số vàng, đầu tư hiệu quả cho giáo dục – đào tạo để phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng, trình độ lao động sẽ tạo ra nguồn lực để phát triển đất nước.

Theo Tổng cục Thống kê, với tốc độ tăng dân số trung bình những năm gần đây, dự báo trung tuần tháng 4, Việt Nam sẽ đón công dân thứ 100 triệu chào đời - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo Tổng cục Thống kê, với tốc độ tăng dân số trung bình những năm gần đây, dự báo trung tuần tháng 4, Việt Nam sẽ đón công dân thứ 100 triệu chào đời – Ảnh: DUYÊN PHAN

Hơn 38 triệu lao động chưa qua đào tạo

* Một trong những rào cản trong việc nâng cao năng suất, thu nhập cho người lao động hiện nay là trình độ, kỹ năng lao động chưa cao. Ông có thể cho biết cả nước hiện có bao nhiêu người trong độ tuổi lao động và số lao động có kỹ năng, trình độ trong cơ cấu lao động hiện nay như thế nào?

– Số người từ 15 tuổi trở lên năm 2022 là 75,4 triệu người, trong đó có 51,7 triệu người thuộc lực lượng lao động. Trong số 51,7 triệu người lao động, có tới 73,8% lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, 26,2% lao động có chuyên môn kỹ thuật (bao gồm 3,7% người có trình độ sơ cấp, 1,9% người có trình độ trung cấp, 1,9% người có trình độ cao đẳng và 6,1% người có trình độ từ đại học trở lên).

Cả nước hiện có khoảng 38,1 triệu người lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và 13,6 triệu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên.

* Sự khác biệt về thu nhập giữa lao động có trình độ, kỹ năng và lao động không có trình độ, kỹ năng như thế nào, và cần làm gì để cải thiện trình độ, kỹ năng, tăng thu nhập cho người lao động?

– Thu nhập bình quân của người lao động năm 2022 là 6,7 triệu đồng/tháng. Thu nhập của người lao động có sự khác biệt theo trình độ học vấn. Nhóm lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật có thu nhập là 5,7 triệu đồng/tháng, trong khi nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật là cao gấp 1,6 lần với khoảng 9,3 triệu đồng/tháng.

Và để cải thiện trình độ, kỹ năng, nâng cao thu nhập cho người lao động, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về đào tạo nghề cho công nhân đầy đủ để chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Đối với nước ta hiện nay, muốn ứng dụng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bắt đầu ngay từ khâu đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề. Nguồn lao động của nước ta tương đối dồi dào nhưng chủ yếu là lao động tay nghề thấp, vì vậy dễ dàng bị thay thế bởi máy móc vốn ngày càng phát triển.

Vì thế, nâng cao nhận thức của công nhân, người lao động để họ thấy rõ việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp vừa là quyền lợi vừa là yêu cầu để đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Đồ họa: T.ĐẠT

Đồ họa: T.ĐẠT

* GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay chưa cao, khoảng trên dưới 4.000 USD/năm. Bên cạnh việc tăng quy mô dân số, chúng ta cần làm gì để tăng GDP bình quân đầu người, cải thiện thu nhập cho người dân?

– Năng suất lao động và việc làm là các yếu tố tác động đến tăng trưởng GDP. Tăng trưởng GDP dựa trên tăng việc làm thường không cao và thiếu bền vững, trong khi tăng trưởng GDP theo hướng tăng năng suất lao động tuy là một thách thức nhưng tạo ra tăng trưởng cao, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, có thể tính đến theo cấp số nhân.

Nhưng để nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập của người lao động cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: thường xuyên theo dõi, đánh giá sự tiến bộ trong việc thu hẹp khoảng cách về năng suất lao động so với các nước trong khu vực.

Nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tăng cường đầu tư hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp. Phát huy liên kết giữa Nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp để ứng dụng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào sản xuất…

* Ông có thể khái quát những việc làm cụ thể phải làm để tận dụng thời kỳ dân số vàng?

– Để tận dụng, phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng đòi hỏi thực hiện những chính sách phù hợp, như nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động.

Tăng cường cơ hội việc làm, đặc biệt hướng tới những việc làm mang lại giá trị tăng thêm cao, tăng năng suất lao động. Đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn, tạo việc làm cho lực lượng lao động trẻ, thanh niên.

* Đang ở thời dân số vàng nhưng ông cũng nhắc đến việc già hóa dân số. Tình hình của chúng ta như thế nào, thưa ông?

– Điều đáng lưu ý là xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019, năm 2022 con số này khoảng 13% và dự báo đến năm 2050 con số này sẽ tăng lên hơn 25%.

Dự báo đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Già hóa dân số đặt ra những cơ hội và thách thức về mặt kinh tế – xã hội, đồng thời đòi hỏi quốc gia thực hiện những thay đổi trong nền kinh tế.

Già hóa dân số nhanh chóng cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai cũng như nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi.

Khi tỉ lệ người cao tuổi tăng thì nhu cầu về các dịch vụ xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của họ cũng tăng theo, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và chăm sóc xã hội tăng lên theo độ tuổi nên cần phải nỗ lực tăng thời gian sống khỏe mạnh. Quá trình già hóa dân số cũng đặt ra thách thức đối với việc mở rộng các chính sách về bảo hiểm xã hội đối với người già cần được đổi mới và nâng cao hiệu quả của chính sách.

* Ông Nguyễn Bích Lâm (nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê):

Dân số vàng nhưng người trẻ chạy xe ôm thì rất xót xa

Tôi đi ra ngoài đường thấy xót xa khi đội quân xe ôm công nghệ đa số có độ tuổi từ 18 – 40. Đây là đội ngũ lao động trẻ, quyết định sự phát triển của đất nước, trong đó có cả sinh viên đã ra trường. Điều này cho thấy số lao động có chất lượng hoặc đã qua đào tạo chưa nhiều, hơn nữa hệ thống đào tạo của chúng ta không phù hợp nhu cầu thị trường. Hệ thống trường dạy nghề chưa phát huy được hiệu quả, chiến lược đào tạo và khâu sử dụng lao động chưa kết nối được với nhau.

Quy mô dân số tăng kết hợp với đặc điểm dân số trẻ sẽ kéo theo lực lượng lao động trong nền kinh tế tăng lên. Mặt khác, dân số tăng cũng làm cho tổng cầu tiêu dùng tăng lên, kích thích sản xuất phát triển. Đây là hai yếu tố đã, đang và sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Chúng ta cũng bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007; số người trong độ tuổi lao động (từ 15 – 64 tuổi) lớn gấp hai lần số người chưa đến tuổi lao động, hết tuổi lao động. Tuy nhiên, chất lượng lao động trong những năm qua chưa được cải thiện nhiều do đào tạo lao động chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, chưa phát huy được lợi thế dân số trẻ.

Về năng suất lao động thì năng suất lao động nước ta chậm cải thiện là do các yếu tố như trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp; thứ hai là cơ cấu kinh tế, khu vực có giá trị gia tăng cao như công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm cơ cấu còn nhỏ, hay một số ngành trong khu vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao nhưng tỉ lệ lại rất thấp; thứ ba là mức độ đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp còn rất thấp, rất ít doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất; thứ tư là các doanh nghiệp chưa thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế.

Một yếu tố nữa cũng cần lưu ý là cảnh chưa giàu đã già. Điều này đang hiện hữu rồi, vì số người già Việt Nam những năm gần đây tăng lên nhanh do tuổi thọ người dân ngày càng tăng cao. Nếu không tận dụng tốt cơ hội dân số vàng hiện nay để tăng năng suất lao động thì rất khó nâng cao thu nhập cho người dân.

* TS NGUYỄN QUỐC VIỆT (viện phó Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách):

Phải tận dụng được cả ba yếu tố để đạt tăng trưởng cao

Hiện chúng ta có cả ba yếu tố: dân số trẻ, quy mô đủ lớn, đạt được mức thu nhập trung bình thấp, tiếc là nền kinh tế gặp dịch bệnh nên đà tăng trưởng kinh tế giảm, nên nhớ trước năm 2019 chúng ta đã duy trì mức tăng trưởng trên 7%.

Có thể thấy quy mô dân số đủ lớn và việc chúng ta đạt được mức thu nhập trung bình thấp đang là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở điều kiện bình thường nếu chúng ta có một chiến lược đúng đắn về phát triển thị trường trong nước, đặc biệt là hỗ trợ cho khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng trong nước, ví dụ như các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Vì thế, trong bối cảnh hiện nay cần có chính sách phục hồi cầu tiêu dùng như tiếp tục giảm thuế VAT, giãn hoãn thuế phí cho doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước. Ngoài ra nên có chương trình riêng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ chiếm lĩnh tốt thị trường trong nước để doanh nghiệp Việt phục vụ cho người Việt, ít nhất trong hai lĩnh vực thực phẩm, đồ uống và lĩnh vực dịch vụ.

* Ông PHẠM CHÁNH TRUNG (chi cục trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM):

Nhiều điều phải nghiên cứu từ cơ cấu dân số

Khi chạm cột mốc quy mô dân số 100 triệu và đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, về lý thuyết, Việt Nam đang nằm trong điểm son của khoảng thời gian tối ưu cực kỳ thuận lợi đối với phát triển kinh tế. Tuy nhiên, điểm mạnh của dân số mới dừng ở số lượng và còn rất nhiều hạn chế khi xét về chất lượng.

Những vấn đề gắn chặt với nguồn nhân lực chính là tỉ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn của Việt Nam vẫn còn chưa cao, nhiều lao động đào tạo ra không đáp ứng được yêu cầu ngành nghề dẫn đến năng suất lao động thấp và khả năng lực lượng lao động của Việt Nam đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khi hội nhập quốc tế vẫn là điều chưa chắc chắn.

Con số 100 triệu người này khi xem xét về cơ cấu và chất lượng dân số cũng cần phải nhìn lại về những vấn đề tồn đọng như tuổi thọ trung bình có nâng lên nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại thấp so với nhiều nước và tỉ số giới tính khi sinh vẫn ở hiện trạng mất cân bằng (112 bé trai/100 bé gái) và đặc biệt mức sinh không đồng đều giữa các tỉnh thành. Nhiều tỉnh thành có mức sinh rất thấp nhưng lại có vùng mức sinh hơn 2,5 con/phụ nữ, gây khó khăn cho việc thực thi chính sách về dân số và phát triển.

Nhìn chung, con số 100 triệu dân là một cột mốc đặt ra cho Việt Nam những thách thức cần phải tập trung giải quyết quyết liệt gồm: nâng cao chất lượng dân số, đầu tư cho y tế, giáo dục và nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực để tránh nguy cơ lãng phí thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” và ứng phó kịp thời thời kỳ dân số già.

B. NGỌC – T.DƯƠNG

Nguồn: https://tuoitre.vn/viet-nam-can-moc-100-trieu-nguoi-tan-dung-co-hoi-co-mot-khong-hai-20230319085935722.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *