Hàn Quốc – thị trường xuất khẩu lao động nhiều tiềm năng của Việt Nam

Trong năm 2023, Hàn Quốc thông báo chỉ tiêu cấp phép 110.000 lao động cho 16 nước. Việt Nam đặt mục tiêu đưa 10.000 lao động nhập cảnh Hàn Quốc.

Hàn Quốc vốn là thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam.

Ngay sau khi đại dịch COVID-19 dần được kiểm soát, việc thúc đẩy hợp tác và nhập cảnh lao động đã được các đơn vị hữu quan cả Việt Nam và Hàn Quốc tích cực triển khai.

Theo công bố của Bộ Lao động và Việc làm, năm 2023, Hàn Quốc có kế hoạch thuê khoảng 110.000 lao động nhập cư để làm việc trong các cơ sở sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.

Tuy nhiên, nguồn tin từ ngành hữu quan cho biết nhu cầu tuyển dụng lao động trên thực tế còn cao hơn nhiều mới có thể duy trì hoạt động của các doanh nghiệp.

Thực trạng thiếu lao động ở Hàn Quốc xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến là tình trạng già hóa dân số; lao động bản địa từ chối làm việc trong các ngành lao động chân tay, lao động nặng nhọc hoặc lao động nông nghiệp…

Trước thực trạng thiếu lao động nghiêm trọng ở trong nước, chính phủ Hàn Quốc thời gian gần đây đã nỗ lực triển khai nhiều chính sách để thu hút lao động nước ngoài nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế.

Lao động Việt Nam theo Chương trình EPS nhập cảnh Hàn Quốc tại sân bay Incheon. (Ảnh: Anh Nguyên/TTXVN)

Ủy ban Chính sách Nhân lực nước ngoài của Hàn Quốc vừa qua đã công bố cải tiến Chế độ cấp phép tuyển dụng lao động nước ngoài (Chương trình EPS) mà Việt Nam đang tham gia.

Theo đó, Hàn Quốc tích cực sửa đổi các quy định nhằm thúc đẩy hình thành nhân lực nước ngoài lành nghề phục vụ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; vận dụng đa dạng phương thức sử dụng nhân lực nước ngoài nhằm giải quyết nạn thiếu nhân lực tại các vùng sâu, vùng xa và tăng cường hỗ trợ cư trú nhằm đẩy nhanh thích ứng xã hội cho nhân lực nước ngoài.

Nắm bắt nhu cầu của Hàn Quốc, các ban ngành hữu quan Việt Nam từ giữa năm 2022 đã tích cực triển khai đào tạo, hỗ trợ để đẩy nhanh số lượng lao động được phép nhập cảnh Hàn Quốc.

Bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy việc tăng số lượng nhập cảnh của lao động EPS, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tiếp tục trao đổi với các đơn vị liên quan của Hàn Quốc nới lỏng các điều kiện để lao động trong ngành đóng tàu sớm nhập cảnh Hàn Quốc; đẩy mạnh hợp tác với Hiệp hội Thủy sản và các doanh nghiệp trong nước thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thuyền viên tàu cá cũng như thúc đẩy công tác kết nối, hỗ trợ các địa phương trong nước đưa lao động sang Hàn Quốc theo chương trình lao động thời vụ, nhất là các địa phương đang xúc tiến ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác.

Nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc tiếp tục phối hợp cùng Văn phòng Quản lý lao động EPS và các Trung tâm Hỗ trợ lao động nước ngoài đa dạng phương thức triển khai công tác tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ lao động bằng các hình thức phù hợp (dự kiến các cuộc gặp tại trung tâm, các sự kiện văn hóa thể thao của địa phương và các hội đoàn, các cuộc tuyên truyền lớn để phổ biến thông tin và quy định pháp luật.

Kết quả, năm 2022, theo chương trình EPS, Việt Nam có gần 9.000 lao động nhập cảnh trong tổng chỉ tiêu 70.000 cho 16 nước tham gia phái cử.

Ông Phạm Minh Đức, Trưởng Văn phòng EPS tại Hàn Quốc cho biết, trong năm 2023, Hàn Quốc thông báo chỉ tiêu cấp phép 110.000 lao động cho 16 nước. Việt Nam đặt mục tiêu đưa 10.000 lao động nhập cảnh Hàn Quốc.

Văn phòng EPS sẽ tập trung phối hợp với Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức đón và giảng bài định hướng cho tất cả người lao động nhập cảnh Hàn Quốc.

Thông qua việc đón và giảng bài này sẽ giúp người lao động nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống và công việc tại Hàn Quốc.

Tiếp tục phối hợp với các Trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài tại Hàn Quốc tổ chức các buổi gặp mặt, phổ biến, tuyên truyền pháp luật tới người lao động.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền này sẽ giúp người lao động tuân thủ pháp luật Hàn Quốc, chấp hành tốt hợp đồng và về nước đúng thời hạn khi kết thúc hợp đồng, qua đó giảm số lao động cư trú trái phép tại Hàn Quốc.

Cùng với đó, Văn phòng EPS sẽ tiếp tục các biện pháp quản lý, hỗ trợ người lao động, nhất là những người lao động gặp các vấn đề khó khăn, mâu thuẫn hợp đồng, khó khăn trong cuộc sống, gặp rủi ro trong cuộc sống khi làm việc tại Hàn Quốc. Qua đó, giúp người lao động an tâm ổn định cuộc sống và làm việc tại Hàn Quốc.

Trong đợt nhập cảnh đầu tiên sau Tết Quý Mão 2023, Trung tâm Lao động ngoài nước đã tổ chức cho 138 lao động nhập cảnh Hàn Quốc; tổ chức 2 khóa đào tạo giáo dục định hướng cho 800 lao động, tiếp nhận hồ sơ của gần 6.000 lao động đạt yêu cầu kỳ thi tiếng Hàn, kiểm tra và giới thiệu cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/han-quoc-thi-truong-xuat-khau-lao-dong-nhieu-tiem-nang-cua-viet-nam/844314.vnp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang