Vì những hành trình di cư an toàn và khoẻ mạnh

Quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người di cư Việt Nam

Thời gian tới, cần thúc đẩy sự quan tâm của các cơ quan chức năng và các cơ quan có liên quan đối với sức khỏe người di cư, trong đó có phụ nữ di cư; quan tâm đến các hoạt động đối thoại cho công nhân tại các vùng đặc thù; nghiên cứu biến đổi khí hậu đối với sức khỏe của người di cư Việt Nam…

Đây là những nội dung chính được đưa ra thảo luận tại phiên họp thường kỳ của Nhóm Kỹ thuật sức khỏe người di cư Việt Nam diễn ra ngày 8/12 tại Hà Nội.

Nhiều rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế với người di cư 

Theo các chuyên gia, ASEAN là khu vực có số lượng người di cư quốc tế cao nhất ở châu Á, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc. Trong 30 năm qua, tỷ lệ di cư quốc tế trong khu vực ASEAN gia tăng đáng kể và người di cư đa dạng về giới tính, độ tuổi, khả năng, khuynh hướng tình dục và sắc tộc, và di cư vì nhiều lý do khác nhau.

Trên thực tế, di cư mang lại những lợi ích tích cực như góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển giao công nghệ, giao lưu văn hóa, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia và khu vực trên thế giới.

Quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người di cư Việt Nam - Ảnh 1.
Quang cảnh buổi họp

Tuy nhiên, di cư (gồm cả di cư nội địa và di cư quốc tế) cũng mang đến những thách thức cho cả nơi đi và nơi đến như thiếu hụt nguồn lao động (tại nơi đi), các dịch vụ xã hội, an ninh an toàn, chăm sóc sức khỏe và kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Trong đó, có thể kể đến những rủi ro về bệnh truyền nhiễm, tổn thương và tai nạn nghề nghiệp, sức khỏe tâm thần, các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, các vấn đề về sức khoẻ bà mẹ và trẻ em. Các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét vẫn là những thách thức.

Các nghiên cứu gần đây của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) thực hiện tại khu vực ASEAN cũng đã xác định những rào cản mà người di cư xuyên biên giới gặp phải khi phải tiếp cận các dịch vụ y tế, bao gồm rào cản ngôn ngữ, phân biệt đối xử, hạn chế về tài chính, thiếu bảo hiểm y tế xuyên biên giới, thiếu cơ chế chuyển tuyến xuyên quốc gia khi người di cư cần được chữa trị…

Quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người di cư Việt Nam - Ảnh 2.
Các chuyên gia thảo luận tại cuộc họp

Việt Nam hiện có hơn 100 triệu dân, đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 67,6 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 67% tổng dân số. Việt Nam không chỉ là nước xuất cư mà còn là một trong những điểm đến mới nổi của di cư quốc tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, đầu tư, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người di cư. Nhiều chính sách, chương trình về sức khỏe người di cư đã được ban hành, thực hiện, nhằm bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong thụ hưởng các dịch vụ y tế.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ lụt, mưa bão, hạn hán và nước biển dâng. Những hiện tượng này tác động rất lớn đến môi trường và sinh kế của hơn 100 triệu người dân Việt Nam. Những điều kiện môi trường bất lợi đã gây ảnh hưởng đến những hình thái di cư trên khắp đất nước.

Cần quan tâm hơn nữa đến sức khỏe của người di cư

Tại Việt Nam, thời gian qua, với vai trò là một nhóm có cơ chế điều phối kỹ thuật cho phép các cơ quan ở các bộ khác nhau quản lý các vấn đề về sức khỏe người di cư, đồng thời phối hợp với các bên có liên quan để thúc đẩy việc thiết kế và thực hiện các can thiệp, chính sách sức khỏe thân thiện với người di cư, Nhóm Kỹ thuật sức khỏe người di cư (MHWG) đã có nhiều hoạt động trong việc thúc đẩy chăm sóc sức khỏe người di cư cả trong và ngoài nước.

Quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người di cư Việt Nam - Ảnh 3.
ThS Lương Quang Đảng, Ban Thư ký Nhóm Kỹ thuật sức khỏe người di cư khái quát những hoạt động của Nhóm Kỹ thuật thực hiện trong năm 2023

Đánh giá hoạt động của Nhóm Kỹ thuật sức khoẻ người di cư trong năm vừa qua, ThS Lương Quang Đảng, Ban Thư ký Nhóm Kỹ thuật sức khỏe người di cư Việt Nam cho biết, năm 2023, Nhóm Kỹ thuật tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động như tổ chức Hội thảo quốc tế di cư và sức khỏe người di cư ASEAN nhằm chia sẻ về sức khỏe của người di cư, kinh nghiệm của các quốc gia và đối tác của ASEAN, tăng cường hợp tác và khuyến nghị chính sách.

Bên cạnh đó, đối thoại với 50 nữ lao động công nhân trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe nói chung, đặc biệt là sức khỏe sinh sản, trong việc đảm bảo việc làm, chăm sóc sức khỏe sinh sản;

Biên soạn 2 cuốn sổ tay về sức khỏe người lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc, đã được số hoá trên website của nhóm (https://mhwg.org.vn/thu-vien); tổ chức talkshow liên quan đến hoạt động sức khỏe tinh thần, bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp…

Tại buổi họp, các đại biểu đã nêu ra thực trạng di cư quốc tế và di cư trong nước của Việt Nam trong những năm vừa qua; nguy cơ người di cư mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh nghề nghiệp; đề xuất các phương án nhằm thúc đẩy sự quan tâm của các cơ quan chức năng và các cơ quan có liên quan đối với sức khỏe của người di cư, trong đó có phụ nữ di cư; quan tâm đến các hoạt động đối thoại cho công nhân tại các vùng đặc thù; nghiên cứu biến đổi khí hậu đối với sức khoẻ của người di cư Việt Nam…

Quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người di cư Việt Nam - Ảnh 4.
Các chuyên gia chụp ảnh lưu niệm

Ngoài ra, các đại biểu cũng mong muốn cần thường xuyên cập nhật sổ tay sức khỏe người lao động trên điện tử; cập nhật các kiến thức mới; hoàn thiện cuốn sổ tay cho người lao động di cư trong nước và lao động tại khu vực Trung Đông…

Bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn IOM nhấn mạnh: Những cuộc họp thường niên của Nhóm đã ghi nhận sự đóng góp ý kiến của rất nhiều đại biểu, đưa ra nhiều sáng kiến đóng góp mang tính xây dựng, tạo mối liên kết giữa Nhóm Kỹ thuật với các cơ quan ban ngành về sức khỏe của người di cư Việt Nam trong nước và quốc tế.

Bà Park Mihyung cho rằng, thời gian tới, chương trình sẽ tiếp tục xây dựng các cuốn sổ tay dưới dạng bản in và điện tử, kèm theo xây dựng các video…; tổ chức hội thảo quốc tế về sức khỏe của người lao động di cư trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai… Ngoài ra, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của người di cư trong vấn để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của mình.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top