Vì những hành trình di cư an toàn và khoẻ mạnh

Hội thảo quốc tế di cư và sức khỏe người di cư ASEAN

1. Giới thiệu

Sức khỏe người di cư là một ưu tiên trong lĩnh vực Y tế của ASEAN và trong Chương trình nghị sự về Phát triển Y tế của ASEAN sau năm 2015, đặc biệt là của Nhóm công tác Y tế số 3 của ASEAN (AHC3) về Tăng cường Hệ thống Y tế và Tiếp cận Dịch vụ Chăm sóc. Trong cuộc họp lập kế hoạch của AHC3 nhằm triển khai Chương trình công tác trong giai đoạn 2021-2025, AHC3 đã đưa vào hai hoạt động hợp tác với Tổ chức di cư Quốc tế (IOM).

Theo mục tiêu chương trình của AHC3 “Nâng cao năng lực và khả năng của hệ thống y tế nhằm cải thiện các dịch vụ cho người di cư hợp pháp và gồm cả lao động di cư, bà mẹ/phụ nữ và trẻ em di cư (nhóm dân số đặc biệt)”, các hoạt động này bao gồm: a) “Tổ chức Hội thảo chia sẻ kiến thức xuyên biên giới nhằm để chia sẻ các dòng di cư, hồ sơ sức khỏe của người di cư và tình trạng dễ bị tổn thương về sức khỏe cũng như các dịch vụ y tế cho người di cư” và b) “Đánh giá sự chênh lệch và bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế giữa các nhóm dân số ‘dễ bị tổn thương’, gồm cả những người trở về là phụ nữ đơn thân”.

Chương trình nghị sự về Phát triển Y tế ASEAN sau năm 2015 giai đoạn 2021-2025, cùng với các Chương trình Công tác của Nhóm công tác Y tế của ASEAN, đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN (AHMM) lần thứ 15 vào ngày 14 tháng 5 năm 2022 tại Bali, Indonesia. Để triển khai hoạt động được thông qua trong AHC 3 về di cư và sức khỏe người di cư Hội thảo Quốc tế Di cư và Sức khỏe người di cư ASEAN được tổ chức. Hội thảo do Việt Nam chủ trì phối hợp với các Quốc gia thành viên ASEAN, Tổ chức Di cư Quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới.

2. Bối cảnh

Báo cáo Di cư Thế giới (Tổ chức Di cư Quốc tế, năm 2022) cho thấy số người di cư quốc tế trên toàn cầu ước tính là 281 triệu người vào năm 2020, chiếm 3,6% tổng dân số thế giới. Trong đó có 135 triệu phụ nữ di cư quốc tế, chiếm 48%. Các luồng di cư thế giới chủ yếu là từ Bắc xuống Nam, từ Nam đến Nam bán cầu và từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển. Hiện có 2/3 người di cư quốc tế sống ở châu Âu và châu Á. Một số lượng lớn người di cư (106 triệu người) được sinh ra ở châu Á. Các quốc gia có nhiều người di cư đến nhiều nhất trên thế giới (năm 2020) là Mỹ, Đức, Ả Rập Xê Út và Nga… Có nhiều lý do khác nhau để di cư như di cư để học tập, kết hôn, nhận con nuôi… nhưng lý do chủ yếu nhất là làm việc.

Năm 2019, ước tính có khoảng 169 triệu lượt di cư lao động quốc tế trên thế giới. ASEAN là một trong những khu vực năng động nhất trên thế giới. Năm 2022, dân số ASEAN là 676 triệu người, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên là 0,8%. Theo Liên hợp quốc, số người di cư quốc tế của ASEAN là 10,2 triệu người, trong đó nữ giới chiếm 46,8%. Quốc gia có đông người di cư quốc tế đến nhiều nhất là Thái Lan (3,6 triệu), Malaysia (3,4 triệu), Singapore (2,2 triệu). Tuổi trung vị của người di cư quốc tế ASEAN là 32,4 tuổi, trong đó trẻ nhất là Malaysia (28,3 tuổi) và cao nhất là Singapore (39,4 tuổi) Dân số Việt Nam hiện nay là 100 triệu người với tốc độ tăng hàng năm hơn 1%. Việt Nam không chỉ là đất nước xuất cư mà còn là một trong những điểm đến mới nổi của di cư quốc tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.

Di cư mang lại những lợi ích tích cực như góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển giao công nghệ, giao lưu văn hóa, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia và khu vực trên thế giới. Lượng kiều hối quốc tế năm 2020 là 702 tỷ USD, trong đó các nước thu nhập thấp và trung bình nhận 540 tỷ USD, chiếm 77%. Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Myanmar là các quốc gia thành viên ASEAN nằm trong top 20 quốc gia Châu Á nhận kiều hối quốc tế năm 2020. Tuy nhiên, di cư (gồm cả di cư nội địa và di cư quốc tế) cũng mang đến những thách thức cho cả nơi đi và nơi đến như thiếu hụt nguồn lao động (tại nơi đi), các dịch vụ xã hội, an ninh an toàn, chăm sóc sức khỏe và kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Người di cư là nhóm dân cư dễ bị tổn thương, gặp nhiều rào cản trong tiếp cận các dịch vụ xã hội như giáo dục, việc làm, y tế, nhà ở, nước sạch và an ninh… Thỏa thuận Toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM, 2018) và Chương trình nghị sự phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc đến năm 2030; các Nghị quyết số 61.17 (2008) và 70.15 (2017) của Tổ chức Y tế Thế giới tập trung vào sức khỏe của người di cư và người tị nạn, kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên, bao gồm các Quốc gia Thành viên ASEAN hợp tác để thúc đẩy các nguyên tắc bao phủ y tế toàn dân, chia sẻ trách nhiệm và thúc đẩy các cách tiếp cận y tế công cộng nhằm cải thiện sức khỏe người di cư và cộng đồng.

Tuyên bố ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của Người lao động Di cư năm 2007 đã thông qua việc ký kết đồng thuận ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của Người di cư, người lao động di cư. Vào năm 2017,  đã nhấn mạnh tính cấp thiết trong khuôn khổ gồm cả người lao động di cư. Nhóm Công tác Y tế ASEAN đang xây dựng hai tài liệu: 1) Khung lý thuyết về bao phủ y tế cho người di cư hợp pháp bao gồm di cư lao động ASEAN; 2) Nhóm dân số đặc thù, Di cư và Sức khỏe: Nghiên cứu các trường hợp của ASEAN. Những tài liệu này sẽ được xem xét, thông qua tại cuộc họp Bộ trưởng Y tế ASEAN.

Nhằm tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN và nâng cao hiểu biết về vấn đề di cư, hệ thống y tế và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người di cư của ASEAN, Việt Nam phối hợp với các quốc gia thành viên ASEAN, Tổ chức Di cư Quốc tế, Tổ chức Y tế Thế giới và các bên có liên quan tổ chức Hội thảo Quốc tế Di cư và Sức khỏe người di cư ASEAN theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

3. Mục tiêu:

– Nhận diện thực trạng, xu thế di cư trong khu vực và trên thế giới cũng như tác động của di cư đối với phát triển kinh tế – xã hội. – Chia sẻ bài học kinh nghiệm, các sáng kiến và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy sức khỏe của người di cư ASEAN. – Tăng cường hợp tác khu vực để nâng cao sức khỏe của người di cư. Kết quả của Hội thảo sẽ được báo cáo tại cuộc họp cấp cao Nhóm công tác Y tế và Phát triển ASEAN (SOMHD, 2023) và được chia sẻ rộng rãi giữa các quốc gia thành viên ASEAN, các đối tác phát triển cũng như bất kỳ cá nhân và tổ chức nào quan tâm đến vấn đề này.

4. Nội dung: 

4 phiên như chương trình dự kiến

– Phiên 1: Khai mạc & Tổng quan: Các thông điệp quan trọng về di cư và sức khỏe của người di cư sẽ được đại diện của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN, Liên hợp quốc và nước chủ nhà – Việt Nam – phát biểu. Tổng quan về di cư (thực trạng, xu hướng, thách thức) trên thế giới và ASEAN sẽ được trình bày trong phiên này.

– Phiên 2: Phát triển sức khỏe người di cư: Phiên này sẽ tập trung vào khung lý thuyết về sức khỏe người di cư toàn cầu và của khu vực: kinh nghiệm của các nước trong việc thúc đẩy sức khỏe của người di cư, tổng quan về sức khỏe người di cư của ASEAN sẽ được trình bày và thảo luận trong phiên họp này.

– Phiên 3: Thúc đẩy sức khỏe của người di cư: Các ví dụ từ các quốc gia: Phiên này sẽ thảo luận về việc thúc đẩy sức khỏe của người di cư trong ASEAN. Các chính sách, chương trình, kinh nghiệm, thực hành tốt, mô hình và sáng kiến của ASEAN sẽ được chia sẻ và thảo luận trong phiên họp này. 

– Phiên 4: Hợp tác & Khuyến nghị chính sách: Phiên này sẽ thảo luận về vai trò và sự tham gia của người di cư trong phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa của nước đến; Và làm thế nào các quốc gia thành viên ASEAN có thể hợp tác cùng nhau, cũng như giữa ASEAN và các đối tác phát triển về sức khỏe của người di cư nói riêng và di cư nói chung để đạt được các mục tiêu của chương trình nghị sự phát triển y tế ASEAN cũng như GCM và SDGs vào năm 2030.  

5. Hình thức tổ chức:

Hội thảo được diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Đường truyền trực tuyến sẽ được cung cấp cho những đại biểu không thể tham dự trực tiếp tại Hà Nội, Việt Nam. Các phiên thảo luận được mở cho tất cả đại biểu tham gia thảo luận bao gồm đại biểu tham gia trực tuyến.

6. Ngày & Địa điểm:

– Ngày dự kiến: 26/06/2023 – Địa điểm: Hà Nội, Việt Nam

7. Ngôn ngữ: 

Tiếng Anh, Tiếng Việt.

8. Diễn giả:

– Các nước thành viên ASEAN và các đối tác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, IOM, WHO…

9. Thành phần tham gia dự kiến:

150 người tham gia trực tiếp

Đối tượng tham gia là các nhà hoạch định chính sách, quản lý nhà nước, cán bộ, nghiên cứu và giảng dạy liên quan đến di cư, y tế, dân số, hợp tác quốc đến từ các Quốc gia thành viên ASEAN, Timor Leste, Ban Thư ký ASEAN; Nhóm Công tác Y tế ASEAN; Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Đức, Hoa Kỳ, Ả Rập Saudi… Các cơ quan LHQ.  Các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học, khu vực tư nhân, báo chí và các bên liên quan khác.   

Để đăng ký tham dự Hội thảo trực tuyến, xin vui lòng đăng ký theo link dưới: https://docs.google.com/forms/d/1J0ffAPbqTFSL7M1OKYfYMk-FV5wdcCq5M_ozj6EXPFo/edit

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top